Viêm nha chu là một loại bệnh phổ biến trong các bệnh về răng miệng. Bệnh có thể xuất hiện sớm và ảnh hưởng trên nhiều răng làm cho chức năng ăn nhai bị hạn chế, nhất là khi đã lớn tuổi. Tuy nhiên bệnh có thể phòng ngừa được nếu như chúng ta hiểu, biết cách phòng ngừa và chăm sóc răng miệng đúng cách.
Nha chu là một tổ chức xung quanh răng, bao gồm nướu, men răng, dây chằng và xương ổ răng. Nha chu có chức năng nâng đỡ, cố định răng đứng vững trong ổ xương hàm. Bệnh viêm nha chu chính là bệnh của tổ chức nha chu. Tình trạng nhiễm trùng thường bắt đầu từ nướu, sau đó lan dần xuống các mô bên dưới do vệ sinh răng miệng kém tạo điều kiện cho vi khuẩn sinh sôi trong mảng bám vôi răng tích tụ. Nếu không được điều trị kịp thời, triệt để, nướu mất bám dính vào răng, xương ổ răng bị tiêu viêm và túi nha chu được thành lập. Răng dần dần sẽ bị lung lay, dẫn đến chức năng ăn nhai cũng sẽ giảm dần, gây ảnh hưởng đến hệ thống tiêu hóa cũng như sức khỏe cơ thể của con người.
Có nhiều nguyên nhân dẫn đến viêm nha chu: Thay đổi nội tiết chẳng hạn như thời gian mang thai, tuổi dậy thì, kinh nguyệt; bệnh tật: mắc bệnh ung thư, đái tháo đường hoặc HIV; một số thuốc có thể làm giảm lưu lượng của nước bọt; thói quen xấu hút thuốc lá...
Viêm nha chu có thể nhận biết khi thấy: Lợi răng bị sưng có màu đỏ hay tím nhạt và dễ chảy máu, hay chảy máu khi vệ sinh răng miệng bằng bàn chải và kem đánh răng; đau khi chạm vào vùng lợi viêm; lợi bi tụt xuống hở cổ chân răng làm cho ê buốt cổ chân răng; cao răng bám đọng thành tửng mảng lớn; hơi thở có mùi hôi khó chịu. Có trường hợp ấn vào lợi thấy mủ chảy ra màu trắng đục; thấy cảm giác không bình thường khi nhai có cảm giác răng bị lung lay, di lệch làm cho các răng bị thưa ra.
Bệnh trải qua 4 giai đoạn chính gồm: Cao răng và mảng bám vi khuẩn tích tụ lại ở cổ răng, chung quanh lợi răng, kẽ răng sẽ kích thích gây nên tình trạng viêm lợi răng. Lợi răng bị viêm nhiễm, sưng phồng, dễ chảy máu khi ăn và khi nhai thức ăn. Tình trạng viêm nhiễm lan tỏa rộng tạo thành túi nha chu chứa vi khuẩn và chất mủ nếu không được điều trị. Xương ổ răng bị phá hủy, lợi răng bị tụt xuống, răng lung lay và rụng, dẫn đến tình trạng mất răng.
Điều trị thế nào?
Điều trị không phẫu thuật
Nếu nha chu chưa tiến triển xấu, điều trị có thể liên quan đến thủ tục ít xâm lấn, bao gồm: Lấy cao răng, bác sĩ sẽ loại bỏ mảng bám bằng máy lấy cao chuyên dụng; chà chân răng (đây là thủ thuật giúp làm nhẵn bề mặt chân răng, ngăn cản sự tích tụ thêm của cao răng và nội độc tố của vi khuẩn); sử dụng kháng sinh tại chỗ chấm viêm, kết hợp uống để giúp kiểm soát nhiễm khuẩn.
Phương pháp điều trị bằng phẫu thuật
Một số phương pháp điều trị với viêm nha chu nặng: Phẫu thuật Flap đó là phẫu thuật giảm túi, ghép mô mềm, ghép men răng, tái tạo mô, ứng dụng men răng tái sinh...
Cách phòng bệnh
Chọn bàn chải mềm và kem đánh răng tiêu chuẩn để vệ sinh răng miêng đều đặn, kỹ lưỡng, thường xuyên hàng ngày sau mỗi bữa ăn, vào buổi tối trước khi đi ngủ. Dùng thêm chỉ tơ nha khoa để làm sạch răng.
Súc miệng bằng nước muối sinh lí hay nước súc miệng chuyên dụng.
Nên ăn nhiều trái cây tươi, rau xanh.
Khi đã có cao răng hay
vôi răng hình thành, nên đi khám bác sĩ nha khoa để được lấy sạch, đồng thời tiếp nhận hướng dẫn phương pháp giữ gìn vệ sinh răng miệng sạch sẽ.
Điều trị sớm khi có dấu hiệu của bệnh viêm nha chu.
Theo suckhoedoisong.vn