Ở Việt Nam hiện nay 90% người dân mắc bệnh về răng miệng, chủ yếu là sâu răng. Nguyên nhân đa phần là do cách chăm sóc răng miệng không tốt, tạo điều kiện cho các vi khuẩn phát triển, tấn công bề mặt và cấu trúc răng. Dưới đây là nguyên nhân và một số cách chữa trị sâu răng mà chúng tôi gửi đến Quý vị để giúp phòng ngừa và điều trị hiệu quả.
SÂU RĂNG LÀ GÌ?
Sâu răng là bệnh lý răng miệng phổ biến, lúc đầu hoàn toàn không gây đau đớn, mà chỉ phát hiện một lỗ sâu nhỏ trên răng. Lỗ sâu tấn công từ ngoài vào trong, lần lượt đi qua men răng, ngà răng rồi vào tủy răng. Khi sâu lan đến ngà và tủy răng, nó sẽ không những ảnh hưởng đến chức năng ăn nhai, gây đau đớn mà còn gây mất thẩm mỹ cho người bệnh. Để chữa bệnh, nha sĩ thường dùng những kỹ thuật trám răng, lấy tủy răng và bọc răng sứ tùy theo mức độ sâu nặng nhẹ.
NGUYÊN NHÂN GÂY SÂU RĂNG?
Nguyên nhân thường do một số loại vi khuẩn tạo axit gây ra. Cụ thể là loài Lactobacillus, Streptococcus mutans và các loài Actinomyces. Các vi khuẩn này gây tổn thương cho răng trong môi trường chứa carbohydrate lên men được, điển hình là các loại đường sucrose, fructose và glucose. Răng miệng chỉ cần không chăm sóc thường xuyên và cẩn thận đều tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển, gây sâu răng. Dưới đây là những nguyên nhân phổ biến:
Răng cần được làm sạch thường xuyên, ít nhất 2 lần/ngày, đặc biệt là sau khi ăn những đồ ăn nhiều màu, đồ ngọt. Nếu răng không được làm sạch đều đặn sẽ tạo môi trường thuận lợi cho vi khuẩn phát triển.
Rất nhiều bệnh nhân mắc các bệnh về răng miệng xuất phát từ nguyên nhân đánh răng không đúng cách. Răng nên được đánh chải theo chiều dọc răng hoặc xoay vòng tròn. Nên sử dụng các bàn chải có đầu chải lông tơ để có thể chải sạch ở các vị trí kẽ răng. Bề mặt tiếp diện của bàn chải đủ rộng để tiếp xúc với toàn bộ mặt trước và mặt sau. Khi đánh răng xong, cần làm sạch cả bề mặt lưỡi.
CÁC KĨ THUẬT NÀO ĐƯỢC DÙNG TRONG CHỮA TRỊ?
Kỹ thuật trám răng được áp dụng khi lỗ sâu nhỏ. Thường không gây đau nhức, chỉ phát hiện khi ta nhận thấy kẽ răng hay nhét thức ăn hoặc thấy lỗ sâu đen nhỏ trên mặt răng lúc soi gương. Vật liệu trám răng là composite thẩm mỹ. Răng trám vẫn giữ được độ cứng chắc và thẩm mỹ như trước.
Kỹ thuật lấy tủy áp dụng khi răng đã sâu đến tủy. Khi răng đã bị hư đến tủy thường sẽ gây đau nhức dữ dội liên tục hoặc đau nhức cách khoảng. Có khi răng đau một thời gian rồi không đau nữa, đó là khi răng đã chuyển nặng, từ trạng thái sâu tủy sang chết tủy nên mất cảm giác. Diễn tiến sau đó sẽ đến một ngày không nhai được vì đau.
Khi đó lỗ sâu đã tiến triển thành viêm mãn vào xương quanh răng và bắt đầu hình thành bọc mủ trong xương hoặc xì mủ ra ở nướu răng. Lấy tủy răng là kỹ thuật dọn sạch những mô tủy răng đã bị nhiễm trùng. Lấy tủy răng được thực hiện cùng gây tê nếu cần thiết nên hoàn toàn dễ chịu. Sau khi lấy tủy, tùy theo phần mô răng còn lại nhiều hay ít mà bác sĩ chỉ định trám răng hay phải bọc sứ nhằm bảo đảm răng có chức năng ăn nhai, đạt thẩm mỹ và tồn tại lâu dài.
Để đảm bảo có một hàm răng khỏe đẹp, chúng ta cần đi vệ sinh và kiểm tra răng mỗi 6 tháng 1 lần tại nha khoa; đồng thời có chế độ ăn uống và vệ sinh răng miệng hàng ngày hợp lý.
Hình trám răng hàm dưới bị sâu trước và sau điều trị.
BS điều trị: BS Trịnh Thu Hà - Bài và hình ảnh: BS Lê Bảo Ngọc
Nha khoa Vạn Hạnh 2 - 207 Điện Biên Phủ, P6, Q5, TPHCM